Khu vườn rau và cây trồng Việt Nam của di dân mới tại Nghi Lan

Tố Nga
發布時間: 更新時間:

Trước nhu cầu sử dụng các loại rau củ quả của người Việt tại Đài Loan ngày càng tăng cao, nhiều di dân mới gốc Việt đã thành công trên đất Đài bằng chính nghề nông của quê hương. Bản tin hôm nay xin mời quý vị cùng đến với câu chuyện khởi nghiệp đầy ngoạn mục của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan, chủ doanh nghiệp giò chả Lan Phát cùng vườn rau Việt khoảng trên 1 hecta ở Nghi Lan, chuyên cung cấp rau củ, giò chả nổi tiếng khắp khu vực miền Bắc Đài Loan.

Bàn tay thoăn thoắt đưa liềm, cắt những ngọn rau ngót mơn mởn đang độ thu hoạch. Đây là khu vườn của chị Nguyễn Thị Lan, di dân mới gốc Việt và chồng mình là anh Trần Văn Phát tại Nghi Lan. Với diện tích khoảng 1 hecta, khu vườn này chuyên gieo trồng các loại rau và cây trồng của Việt Nam như rau ngót, riềng, sả, tía tô, bạc hà và cả lá dong, hàng tuần có thể cung ứng khoảng 200kg rau củ quả các loại cho cộng đồng người Việt tại khu vực phía Bắc Đài Loan.

==Chị Nguyễn Thị Lan // Chủ cơ sở Lan Phát - Di dân mới gốc Việt==

==Anh Trần Văn Phát // Chủ cơ sở Lan Phát==
Mảnh vườn trồng gấc này của tôi đã được khoảng 3 năm rồi,
hạt giống của trái gấc được em Lan mang sang,
việc trồng trọt cũng do một tay em Lan trồng.

Sang Đài Loan làm giúp việc, thực hiện ước mơ đổi đời

Chị Nguyễn Thị Lan quê ở Hải Dương cho biết, chị từng là vận động viên điền kinh đại diện Việt Nam đi tham gia thi đấu tại Bulgaria và Liên Xô cũ, nhưng do kinh tế khó khăn và đông anh chị em nên phải bươn chải nhảy tàu buôn bán (làm công việc bán hàng rong qua cửa sổ toa tàu) để phụ giúp gia đình, đến năm 42 tuổi chị sang Đài Loan làm giúp việc gia đình, sau đó mới bén duyên với chồng mình là anh Phát.

Lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, nghị lực của phụ nữ Việt

Khi mới kết hôn, họ chỉ có hai bàn tay trắng và phải đi thuê đất hoang để trồng trọt, những ngày đầu lập nghiệp anh chị phải đối mặt với vô vàn khó khăn và nguy hiểm như bị rắn cắn, ong đốt, nhưng với sự cần mẫn và nghị lực phi thường anh và chị đã vượt qua mọi thách thức, tuy nhiên thu nhập vẫn còn nhiều bấp bênh, nên chị quyết định làm thêm giò chả bán kiếm tiền để lấy ngắn nuôi dài.

Lấy ngắn nuôi dài, xây dựng thương hiệu giò chả Lan Phát

Những ngày đầu để quảng bá sản phẩm giò lụa đến với khách hàng, hai vợ chồng không ngại vất vả xuống Đào Viên rao bán từng chiếc, có lúc ngủ qua đêm ở gầm cầu để kịp phiên chợ sáng bán cho khách. Chị Lan cho biết, để làm được giò chả ngon đúng vị Việt, khâu quan trọng nhất là phải chọn nguyên liệu thịt lợn tươi ngon, chất lượng, nên khi vừa lấy thịt từ lò mổ thì phải xử lý ngay để đảm bảo vị ngon và an toàn thực phẩm, vì vậy công việc của anh chị thường bắt đầu từ 12 giờ tối kéo dài đến sáng để kịp giao hàng cho khách, do hương vị thơm ngon chất lượng, nên giò chả thương hiệu Lan Phát từ từ chiếm được chỗ đứng trong lòng khách hàng. Hiện tại sản phẩm của cơ sở không chỉ tiêu thụ ở Nghi Lan mà còn được bỏ mối cho các đại lý tại Đài Bắc, Tân Bắc và Đào Viên, qua đó cũng tạo cơ hội việc làm cho nhiều di dân mới ở địa phương.

==Chị Huỳnh Thị Lắm // Di dân mới gốc Việt==

Mô hình hợp tác giúp thúc đẩy kinh tế địa phương

Bên cạnh đó, chị Lan đang từng bước triển khai mô hình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật và cây giống cho nông dân địa phương, sau đó thu mua và bỏ mối cho các đại lý, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

==Ông Lâm // Nông dân ở Nghi Lan==
Cũng nhờ ông bà chủ giúp chúng tôi mua những rau quả này
nên chúng tôi mới có lòng tin để trồng trọt.

Trọn đời cống hiến, lao động là vinh quang

Hiện tại ở tuổi ngoài 60, sự nghiệp và cuộc sống viên mãn, nhưng cả anh và chị vẫn không ngừng làm việc và cống hiến. Câu chuyện của anh chị là minh chứng cho sự cố gắng, kiên trì và khao khát thành công. Đồng thời, cho thấy Đài Loan vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho những người tìm kiếm cơ hội mới và sự đổi đời. Nơi đây vẫn đầy hứa hẹn cho những ai dám thách thức (thử thách) bản thân và mơ ước về một tương lai tươi sáng.